Làng nghề gần nghìn năm tuổi
Năm 1053, trên quê hương phường Ngọ có một gia đình sinh hạ được một người con trai khôi ngô tuấn tú. Cha mẹ đặt tên là Trương Công Thành, tên chữ là Phổ An. Từ nhỏ, Trương Công Thành đã nổi tiếng thông minh, tinh thần tuấn kiệt, diện mạo khác thường. Ngày ngày Trương Công Thành học võ, đọc sách, rất tinh thông âm luật, binh thư, võ nghệ, không điều gì không biết. Khi lớn, ông thi đỗ Thái Học Sinh, sau lại đỗ thứ 8 khoa Hoành Từ. Lý Đạo Thành gả con gái là Lý Tố Nương cho ông. Vua Lý Nhân Tông phong cho ông chức Thiêm Sự ở Doanh Vũ Đức và giữ chức Tán Lý. Ông làm phó Tướng cùng Lý Thường Kiệt đánh Châu Ung, Châu Khiêm. Khi chiến thắng trở về, Trương Công Đại Vương được nhà Vua thưởng tước hậu “Phổ Quảng Bá Tuấn”.
Khi ca khúc khải hoàn, được Vua ban thưởng và trọng dụng nhưng ông không ham danh vọng, treo ấn từ quan để quy y Phật pháp. Nơi ngày đêm đèn nhang, tụng kinh, niệm Phật là một cái am nhỏ. Ngài thường đi du sơn, ngoạn thủy. Một lần ra bãi biển, ngài bắt gặp một loài ốc nằm trên bãi cát, không có ruột, rất đẹp. Ngài đem về nhà bày chơi, sau đọc sách thì thấy gọi là con xà cừ. Ngài đập một con ra xem và thấy mỗi lớp một màu sắc rất đẹp. Ngài ghép thử vào đôi câu đối sơn then chữ cũ, thấy đẹp. Ngài lại ra biển lấy về khảm vào bức hoành phi, câu đối.
Thời gian sau, Ngài cảm thấy mình sắp về cõi Phật. Người dân Chuôn Ngọ thay nhau lên chăm sóc Ngài. Vì họ Trương đã hết người nối dõi nên Ngài truyền nghề khảm và cho mang hết số xà cừ về dùng. Như vậy, nhân dân Chuôn Ngọ đã học được nghề khảm xà cừ từ năm 1099.
Sau khi Ngài hóa, đã được triều Lý, tiếp đến chiều Lê tôn vinh phong Thần. Người dân Chuôn Ngọ đã tôn Ngài làm Thành Hoàng làng và xây miếu lập đình thờ Ngài. Đình và miếu đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996.
Danh nhân Trương Công Thành tên húy là Thành, tên chữ là Phổ An, tên thụy là Phổ Quang, pháp danh là Huyền Chân Bồ Tát. Ngài là Thành Hoàng làng và cũng là Đức Tổ nghề khảm trai, để lại cho muôn đời sau một nghề độc đáo sinh kế và vinh hoa phú quý.
Thời phong kiến, nhiều người được triệu vào kinh thành Huế làm hàng khảm cho Vua. Cụ Lý Mục được Vua ban triện ngà. Đến cuối thời Nguyễn (1920-1945) nghề khảm nổi tiếng về khảm chân dung. Cụ Bát Nhượng khảm chân dung Vua Thành Thái để quan chức Bắc bộ dâng khi Vua ra Bắc dự lễ khánh thành cầu Long Biên năm 1902.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tố là ai?
Thế hệ nối tiếp có các ông Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Văn Tố được tuyển vào trường Mỹ nghệ Hà Đông trước Cách mạng Tháng Tám. Năm 1947, ông Tố tham gia kháng chiến. Sau hòa bình 1962-1976, ông là Ủy viên Ban chủ nhiệm Trung ương Liên hiệp xã Thủ công nghiệp Việt Nam. Ông được giao nhiệm vụ tuyển dụng các nghệ nhân đứng đầu các ngành thủ công mỹ nghệ trong nước để lập nên Trường Trung cấp nghiệp vụ Thủ công nghiệp Trung ương ở Quỳnh Đô, Thanh Trì, Hà Nội, tiền thân của Trường Mỹ nghệ Hà Tây.
Ông được giao làm khảm phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Ông đã khảm chân dung các lãnh tụ như: Lê-nin, Stalin, Bunganin,Vorosilop, Mao Trạch Đông và Hồ Chủ tịch. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: UNESCO, Liên-Xô, Đức, Pháp. Năm 1967, Bác Hồ tặng Chủ tịch Mao Trạch Đông chân dung hai vị bắt tay nhau do ông làm. Ông đã được Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi quà tặng.
Ông Nguyễn Văn Tố là thế hệ thứ nhất được nhận danh hiệu “Bàn Tay Vàng” 3 lần. Một lần do Tổ chức Mỹ thuật Đông Nam Á; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội đồng Trung ương Liên minh các HTX tặng trong dịp thượng thọ.
Chuôn Ngọ có nhiều xưởng sản xuất hàng khảm tư nhân của các gia đình. Xưởng ít có khoảng 10 lao động, nhiều thì khoảng 25-30 lao động. Làng có gần 600 lao động lành nghề làm hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Nghề khảm trai, ốc xà cừ tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ cao đáp ứng thị trường đang được rộng mở. Nhiều thế hệ đã được vinh danh “nghệ nhân làng nghề”.
Xã Chuyên Mỹ có Hiệp hội làng nghề trực thuộc Hiệp hội làng nghề Việt Nam, do ông Trần Xuân Biên làm Thư ký. Ông là CCB đã từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Hiện có xưởng sản xuất hàng khảm.
Chuyên Ngọ cũng là đất hiếu học “Nghệ tinh thân vinh”. Không những họ có bàn tay vàng mà có cả tấm lòng vàng dạy nghề cổ truyền cho các thế hệ. Nhiều nơi có nghề khảm cũng từ cái nôi Chuôn Ngọ mà ra như Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Chẳng hạn. Hiện nay, Chuôn Ngọ có gần 1.000 thợ đang sống và làm việc nhiều nơi như nội thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quy Nhơn và các tỉnh Tây Nguyên.
Nghệ thuật công phu, tinh tế
Ngày nay, nguyên liệu khảm trai ở Chuôn Ngọ không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Indonesia... nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là trai ngọc môi vàng. Vì trai này thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp xà cừ dày, màu óng ánh như sắc cầu vồng. Ngoài ra, ốc đỏ là nguyên liệu đặc biệt quý hiếm với làng khảm, vì nó có màu sắc rất đẹp, sang trọng, thường dùng để làm những cảnh núi non, cánh phượng, cánh công, hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa trong các bức khảm.
Từ chất liệu vỏ trai, người thợ khảm phải dùng nhiều công sức để hoàn thành một tác phẩm tranh khảm. Các khâu trong khảm gồm: sáng tác bản vẽ, mài, cưa, đục mảnh; hạ mặt tranh khảm; mài, đánh bóng mặt khảm. Trước đây, chủ đề trong các bức khảm thường là lựa từ các tích ở truyện Tam Quốc diễn nghĩa, Văn Vương cầu hiền, Giang Tả cầu hôn… hay khảm theo các mẫu ước lệ như tùng, trúc, cúc, mai, ngư, tiều, canh, độc. Về sau, đề tài có thêm các danh lam thắng cảnh của đất nước như chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Văn Miếu, khảm chân dung lãnh tụ Lê-nin, Hồ Chí Minh…
Khi đề tài được xác định, người nghệ nhân sẽ sáng tác bản vẽ. Với cây bút chì, người thợ vẽ ngay trên những miếng vỏ trai như thể đã thuộc nằm lòng. Khâu mài, cưa, đục các mảnh là khâu nặng nhất. Đối với mỗi mảnh vỏ trai, nghệ nhân gạn lọc được khoảng 3-4 miếng, nếu vỏ trai bị cong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn cho thẳng. Vỏ đều phải chẻ, dóc thành miếng. Vỏ của ốc xà cừ dễ chẻ hơn vì có thớ, khi đục phải theo thớ, có khi thớ này rất mờ, phải tinh mắt mới thấy, đục phải khéo nếu không sẽ bị vỡ.
Công đoạn mài miếng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Mài đến độ gần phẳng mới hơ lửa uốn, dùng đá ráp để mài, cho đến khi phần vỏ ngoài mòn hết và chỉ còn trơ lại lớp xà cừ. Độ dày mỏng của vỏ trai, vỏ ốc là khác nhau, do đó cần mài bằng tay mới đảm bảo được như ý, các loại máy móc chưa thay thế được bàn tay thủ công trong công đoạn này.
“Đã từng có nhà tư sản người Pháp mở xưởng khảm trai ở Nam Định trước Cách mạng Tháng Tám, dùng máy mài vỏ trai, nhưng bị thất bại”, nghệ nhân Trần Bá Dinh cho hay. Muốn được một miếng trai như ý, người thợ mài dùng cái cưa lưỡi nhỏ, giũa nhỏ và dẹt cùng dao tách trổ, cái cặp miếng trai, kiên nhẫn, tỉ mỉ để tạo ra hàng trăm ngàn mảnh hình khác nhau. Khi đã cưa đục các mảnh miếng của bức tranh, họ khảm và đục những mảng hình lên mặt hộ, người thợ hạ mặt tranh khảm, dùng sơn ta cẩn gắn vào mặt gỗ, lúc này bức tranh sinh động, lung linh dần hiện ra.
Mài mặt khảm và đánh bóng sẽ là khâu cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm. Việc mài cũng không hề đơn giản, phải có óc nghệ thuật khi dùng sơn hòa với nhọ đèn miết lên mặt tranh khảm rồi mài, sao cho phần trên mặt trai phẳng lỳ nhưng vẫn giữ được nét khắc chìm. Khi mài xong thì đánh bóng bằng cách lấy giấy ráp loại cát mịn chấm vào thuốc hoặc vôi bột mà đánh.
Mặt trai muốn bóng và không bị xước thì dùng lá ngái và vôi bột cho vào lòng bàn tay xoa thật đều lên mặt tranh khảm. Trong các loại gỗ dùng để khảm, gỗ trắc được ưa chuông nhất vì thớ của nó mịn và rắn chắc. Màu nền của gỗ có ánh đỏ, hồng, đối màu với các họa tiết trai ốc tạo nên màu sắc tương phản nổi bật rất đẹp mắt.
Sau này, cùng với kỹ thuật ghép tam khí ở Đại Bái (nay là huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) thì xuất hiện thêm các sản phẩm khảm trai trên đồng, rồi muộn hơn nữa là khảm trai trên đồi mồi.
Từ ngày đất nước đổi mới, lớp trẻ rất năng động, nhạy bén với thị trường khảm trai trong và ngoài nước, giỏi quản lý kinh doanh và quảng bá sản phẩm, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Ngày nay, về Chuôn Ngọ ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu. Một làng nghề văn hóa kiểu mẫu, giàu đẹp và văn minh đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Một địa chỉ du lịch làng nghề hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước của huyện Phú Xuyên.